Cây lúa miến có nhiều mục đích sử dụng như là cây trồng làm thức ăn chính cho hàng triệu người vùng nhiệt đới bán khô hạn của châu Phi và châu Á, làm thức ăn gia súc, gia cầm, sản xuất đồ uống, xyrô và đặc biệt là làm nguyên liệu sản xuất ethanol. Đề tài “ Tuyển chọn một số giống cao lương ngọt triển vọng để sản xuất ethanol nhiên liệu” do TS. Nguyễn Thị Phượng làm chủ nhiệm đã tuyển chọn được 2 giống triển vọng để sản xuất ethanol là C4 và C7.
Ethanol nhiên liệu là một loại alcohol thường thấy trong đồ uống có cồn. Ethanol nhiên liệu được sử dụng để chạy động cơ bằng cách trộn 5-10% với xăng tạo ra một hỗn hợp cháy hoàn toàn, dùng cho ô tô, xe máy.
Dùng ethanol nhiên liệu đang là một hướng để giải quyết khủng hoảng năng lượng của thế giới. Nguyên liệu để sản xuất ethanol là các cây cho tinh bột, đường cao như sắn, ngô, cao lương, mía … Trong số các cây nguyên liệu đó, cây cao lương có ưu thế là loại cây dễ trồng, thích ứng rộng, chịu hạn, có thể thâm canh cao. Thân cao lương chứa 75% dịch, trong đó hàm lượng đường từ 8-23% nên rất có triển vọng để phát triển sản xuất làm nguyên liệu sản xuất ethanol nhiên liệu.
Đề tài “ Tuyển chọn một số giống cao lương ngọt triển vọng để sản xuất ethanol nhiên liệu” do TS. Nguyễn Thị Phượng làm chủ nhiệm (Viện Môi trường Nông nghiệp, thuộc Viện KHNNVN) thực hiện 2009-2011 theo đặt hàng của Bộ Công thương đã đạt được một số kết quả khả quan. Từ nguồn vật liệu gồm 66 giống cao lương của ngân hàng gen trong nước và 12 giống cao lương nhập nội từ Viện nghiên cứu cây trồng bán khô hạn (ICRISAT), đề tài đã tuyển chọn được 2 giống triển vọng đặt tên là C4 và C7.
Giống C4 là giống cao lương thuần, cây cao 3,5-4m, đường kính thân 3-3,5 cm, hàm lượng đường trong thân 12-16 độ Brix, thời gian sinh trưởng 150 ngày, năng suất đạt 50 tấn/ha, sản lượng cồn có thể đạt 4000 lít/ha. Giống C7 là giống lai F1, cây cao 2,5-3 m, đường kính thân 2-2,5 cm, hàm lượng đường trong thân 15-17 độ Brix, thời gian sinh trưởng 120 ngày, năng suất đạt 30-35 tấn/ha, có khả năng chịu hạn. Hai giống cao lương này đã được đưa trồng thử nghiệm tại một số tỉnh như Phú Thọ, Bắc Giang và Hòa Bình.
Tại hội nghị đầu bờ ngày 20/7/2011 tổ chức tại xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, bà Đỗ Thị Liên- Chủ tịch xã cho biết hai giống cao lương C4 và C7 dễ trồng, ít sâu bệnh, sinh trưởng phát triển tốt, nếu có hiệu quả kinh tế hơn các cây trồng khác đang trồng ở địa phương (như ngô, sắn) thì có thể tổ chức phát triển rộng trong xã như một cây nguyên liệu cung cấp cho nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu.
Nguồn: http://www.vaas.org.vn/NewsDetails.aspx?NewsID=911&CateID=36