Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

GIỚI THIỆU CÂY LÚA MIẾN NGỌT!









Lúa miến (Sorghum bicolor) thuộc họ hòa thảo (chiếm khoảng 20% thảm thực vật trái đất, là họ thực vật quan trọng nhất đối với nền kinh tế của loài người; ngoài tre, trúc và các bãi thức ăn gia súc... họ này còn chứa 9 nguồn lương thực chủ yếu là mì, ngô, gạo, đại mạch, miến, yến mạch, mạch đen, kê, kiều mạch). Theo hướng sử dụng, miến được chia thành 4 nhóm: Miến hạt, miến ngọt, miến chổi và miến cỏ. Miến hạt và miến ngọt chủ yếu cho lương thực, thực phẩm và ethanol sinh học, ngoài ra còn cho thức ăn gia súc, gia cầm (do đó, người ta gọi miến là cây trồng thần diệu, một loại cây trồng đa mục tiêu). Miến chổi chủ yếu cho thức ăn gia súc, ngoài ra còn dùng làm vật liệu xây dựng. Miến chổi chủ yếu cho vật liệu làm chổi và cùng với thân lá của các miến khác được tái chế làm vật liệu xây dựng như ván dăm, ván gỗ sinh thái có giá trị thương mại cao (ví dụ, ván Kirei đang được bán tại Mỹ với giá 75 USD/m2). Đặc điểm chung quan trọng của các loài miến là cây trồng có mùa vụ ngắn ngày, đòi hỏi ít nước và có thể phát triển ở các vùng đất nhiệt đới bán khô cằn, nơi thường có nhiều người nghèo sinh sống.
Hiện miến ngọt đã được trồng với diện tích trên 42 triệu ha tại hơn 100 nước, nhiều nhất ở Mỹ, Ác-hen-ti-na, Ấn Độ, Trung Quốc, Mê-hi-cô... Trong 5 năm 2002-2006, tổng lượng xuất khẩu hạt miến trên toàn cầu là 28,5 triệu tấn. Trong đó, 5 nước xuất khẩu hàng đầu là: Mỹ (86,1%), Ác-hen-ti-na (6,21%), Pháp (2,56%), Brazil (1,65%), Trung Quốc (1,18%); 5 nước nhập khẩu hàng đầu là Mê-hi-cô (55%), Nhật (24,2%), Tây Ban Nha (5,54%), I-ta-li-a (2,3%), Xu-đăng (1,33%). Sau cảnh báo về khủng hoảng lương thực toàn cầu vừa qua, miến ngọt càng được quan tâm. Tháng 8 năm nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ tài trợ cho một hội nghị quốc tế nghiên cứu tiềm năng sản xuất ethanol của lúa miến ngọt ở bang Texas.
Ưu thế vượt trội của cây Lúa miến
- Thứ nhất, có thể trồng miến tại các vùng bán khô cằn, thậm chí gần hoang hóa, nơi không thể trồng lúa gạo. Diện tích đất loại này nước ta còn nhiều (khoảng 9,3 triệu hecta đất hoang hóa, 4,3 triệu hecta đất đồi núi chưa sử dụng, chưa kể 8,1 triệu hecta đất lâm nghiệp được giao phân tán, cần chính sách thích hợp tích tụ lại).
Thứ hai, trồng lúa miến còn là giải pháp giúp đa dạng hóa nguồn lương thực. Theo thống kê, trong tổng số 272 triệu tấn từ 9 loại lương thực được xuất khẩu trên thị trường toàn cầu năm 2006, hạt miến chiếm vị trí thứ năm, sau mì và meslin, ngô, gạo và đại mạch. Miến ngọt cho khoảng 5-10 tấn hạt/1 ha một vụ 100-140 ngày, tùy theo giống. Đây không chỉ là lương thực mà còn là nguyên liệu quí cho thực phẩm, ví dụ để làm ra mạch nha và bia. Cũng theo thống kê, trong 3 năm 2004-2006, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 142.500 tấn hạt nguyên liệu mạch nha (giá trung bình chưa thuế là 400USD/ tấn), khoảng 10.536 tấn mạch nha và bột thực phẩm ít cacao (tốc độ tăng trung bình về nhập khẩu hàng năm là 36%). Với một nước tiêu thụ bia như Việt Nam, bổ sung nguồn nguyên liệu tốt như miến là hướng đột phá nhiều hứa hẹn, cần phải làm sớm.
Không chỉ là nguồn lương thực thay thế, miến ngọt còn là nguồn nguyên liệu bổ sung cho sản xuất ethanol sinh học, thay thế một phần nguyên liệu khác như ngô, sắn, mía... do đó, góp phần tăng cường an ninh lương thực. Theo Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về phát triển nhiên liệu sinh học của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2010 Việt Nam phải sản xuất được 5.000 tấn ethanol sinh học, năm 2015 là 250.000 tấn ethanol và biodiesel, năm 2025 là 1,8 triệu tấn ethanol và biodiesel. Để đạt được mục tiêu đó, rất khó thực hiện qui định chung về bảo đảm an ninh lương thực nếu không có nguyên liệu thay thế thích hợp. Hơn nữa, ethanol sinh học sản xuất từ miến có giá thành cạnh tranh (tại Ấn Độ, giá thành sản xuất 1 lít ethanol từ miến ngọt là 0,46 USD so với 0,58 USD nếu làm từ mía và 0,56 USD làm từ ngô). Hãng Rusni Distilleries (Ấn Độ) cho tôi biết, để chạy một nhà máy ethanol sinh học công suất 40 tấn/ngày, cần 6.800 hecta miến ngọt giống bình thường hoặc 4.500 ha nếu giống tốt. Như vậy, để đạt chỉ tiêu 5.000 tấn ethanol sinh học vào năm 2010 thì chúng ta phải trồng khoảng 1.900- 2.900 ha miến ngọt vào đầu năm 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét